Câu chuyện bữa cơm các gia đình phải xoay xở để phù hợp với tình hình giá cả thị trường khiến các bà nội trợ đau đầu. Giá cả đắt đỏ tăng theo giá xăng dầu khiến cánh nội trợ lo âu.
1. Nhà tôi chỉ có 3 miệng ăn, hai vợ chồng đều làm văn phòng, nhìn vào mức lương cũng không nghĩ có những giai đoạn phải căn ke từng buổi chợ, từng bữa cơm. Vậy mà sau đại dịch, rồi thêm mấy đợt giá xăng tăng liên tục, các mặt hàng thực phẩm cũng theo đó tăng vọt, ngay cả giá trứng tưởng chừng bình ổn nhất cũng đã tăng, khiến gia đình tôi phải nghiêm túc xem xét lại cách chi tiêu. Ngoài khẩu phần ăn của con vẫn giữ nguyên, bữa ăn của vợ chồng tôi, mỗi thứ bớt lại một chút, hướng tới tiêu chí ăn vừa đủ dinh dưỡng, vừa đủ số lượng chứ không thoải mái như trước.
Mới đầu, hai vợ chồng cảm giác như thiếu thiếu, nhưng vài bữa căn chỉnh thì cũng thấy ổn. Tôi cũng bổ sung thêm một số món mà trước giờ ít có trong thực đơn gia đình như đậu hũ, khô cá, đậu phộng rang mắm tỏi. Được cái mấy món này dễ chế biến, giá cả phải chăng. Rau xanh tôi cũng chủ yếu lựa rau theo mùa, vừa ngon, vừa rẻ. Một hai tuần, tôi làm thêm hũ dưa muối chua, cũng đưa cơm lắm. Thi thoảng, vợ chồng ăn chay một bữa, vừa thanh lọc cơ thể, vừa bù vào những ngày chợ chi tiêu hơi lố chút đỉnh. Hôm nào không phải đi công tác, hai vợ chồng tôi cũng chịu khó đem cơm lên cơ quan ăn trưa, khỏi phải gọi cơm ngoài.
Mấy gia đình cùng tầng chung cư tôi ở còn nảy ra sáng kiến gom đơn đi chợ đầu mối mua thực phẩm cho rẻ. Cuối tuần, gia đình nào cần mua gì để cơm nước cho cả tuần thì đăng ký, hai hoặc ba chị sẽ đi mua một thể rồi về chia lại. Coi vậy nhưng cũng bớt được đáng kể. Tuần vừa rồi, gia đình tôi cũng tiết kiệm được gần 150.000 đồng so với đi chợ gần nhà. Đầu tháng, cả tầng lại rôm rả rủ nhau săn khuyến mãi các mặt hàng gia dụng, xà bông tắm giặt, nước tẩy rửa trên các trang thương mại điện tử, siêu thị.
Chuyện giá cả tăng vù vù, chuyện phải căn chỉnh lại bữa cơm hàng ngày đâu riêng của gia đình tôi, mà ra ngoài chợ, ai cũng than tiền chợ tăng gấp rưỡi trước đây. Mấy quầy sạp bán cá, bán thịt, hàng hóa cũng không đầy đặn như mọi khi. Thấy khách ngó vào rồi lại ngoảnh ra, chị Hiền bán thịt thở dài: “Giá hàng cao, mỗi ngày lấy có vài chục ký thịt mà lay lắt bán mãi không hết. Khách quen mọi khi mua lần 2-3kg thì giờ cũng dè bớt lại. Ai cũng bảo phải thắt chặt chi tiêu. Cứ đà này, chắc nghỉ chợ ít bữa cho khỏe, đỡ thâm hụt tiền vốn”.
Sẵn nghỉ ngày chủ nhật, chị rủ chồng dậy sớm cùng đi chợ. Lần này, chị kéo chồng vào tận từng quầy hàng chứ không cho ngồi ngoài chờ như mọi khi. Anh chồng cầm 500.000 đồng hào hứng vào chợ, nhưng ngay sau đó đã giật mình sao thứ gì cũng mắc. Vét đồng tiền cuối cùng cũng chỉ được vài con cá, mấy dây thịt heo và ít rau. Khéo lắm thì được 2 ngày ăn.
×
“Cho ổng đi chợ một bữa ổng sáng mắt liền. Lúc ấy, nhìn cái mặt cười ngượng mà thấy thương. Từ bữa đó, hết thấy ổng ca thán gì hết trơn”, chị bạn tôi nói.
Khu chung cư tôi sống cũng vậy, mấy ông chồng than với nhau nay mới đổ xăng xe, mai đã thấy vơi. Tiền chi tiêu hàng tháng vợ “khoán” cho chỉ bấy nhiêu nên mấy ông cũng tự động điều chỉnh, bớt đi lại, bớt la cà. Cũng bởi vậy mà các chị phấn khởi ra mặt khi bữa cơm cuối ngày đông đủ các thành viên trong gia đình. Sắp nhỏ thì biết nhìn trước ngó sau hơn, tập ăn mấy món không phải món khoái khẩu, thay bằng chỉ chăm chăm món mình thích như trước. Bé Châu gần nhà tôi tíu tít khoe suốt. Trước đây, chỉ cuối tuần ba bé Châu mới ăn cơm cùng mấy mẹ con, giờ thì thường xuyên hơn. Ăn xong, cả nhà quây quần xem tivi, có khi nghêu ngao vài bài karaoke rồi đi ngủ. Đơn giản vậy mà ai cũng vui.
Thời bão giá đau đầu chuyện chi tiêu thật, nhưng cũng là dịp để cả gia đình điều chỉnh lại sinh hoạt, sắp xếp lại các khoản thu chi để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Quan trọng hơn, các thành viên đều biết chia sẻ, biết thông cảm và gắn kết hơn qua bữa cơm gia đình.